vật liệu xây dựng

Vật liệu xây dựng công trình gồm những gì? - Ảnh 1.

Nhóm vật liệu xây dựng thô

Đối với bất kỳ công trình dân dụng hay công nghiệp, hoàn thiện phần thô được xem là giai đoạn quan trọng, ảnh hưởng và quyết định trực tiếp đến chất lượng của toàn bộ công trình.

Vật liệu xây dựng thô là những vật liệu được sử dụng để tạo nên kết cấu khung cho một công trình. Những vật liệu này quyết định đến sự bền vững từ nền móng đến khung xương cho toàn bộ kiến trúc sau khi hoàn thiện.

1. Sắt thép xây dựng

Thép xây dựng là vật liệu quan trọng gây dựng nền móng, tạo nên các kiến trúc kiên cố, bền vững. Do đó, trong bất kỳ một công trình nào, thép xây dựng cũng là vật liệu được lựa chọn trước tiên và được chú trọng đầu tư.

Loại thép này thường có những đặc tính như ưu việt như tính bền, tính dẻo, tính cứng, tính hàn, khả năng chống oxy hóa của môi trường và ít bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của thời tiết và nhiệt độ.

Hiện nay, các loại sắt thép xây dựng được sử dụng phổ biến trên thị trường gồm có 2 loại, đó là thép thanh vằn và thép cuộn.

Trong đó, thép cuộn có bề mặt trơn nhẵn với đường kính thông thường là Ø6mm, Ø8mm, Ø10mm, Ø12mm, Ø14mm, được ứng dụng trong xây dựng nhà ở, công nghiệp dân dụng cơ khí hoặc chế tạo máy, kết cấu nhà xưởng hoặc nhiều công dụng khác.

Còn đối với thép thanh vằn, loại thép này có đặc tính chịu lực tốt độ cứng và độ bền cao nên được ứng dụng phổ biến trong mọi công trình xây dựng từ lớn đến nhỏ.

Thép vằn thường có chiều dài 11,7m/cây và tùy theo nhu cầu sử dụng của khách hàng mà chọn sản phẩm có đường kính tương ứng từ 10mm đến 40mm.

2. Xi măng

Xi măng là thành phần quan trọng nhất của bê tông, là yếu tố quyết định trực tiếp đến chất lượng của bê tông và độ bền của công trình. Do đó, khi xây nhà cần là lựa chọn loại xi măng phù hợp để công trình đạt chất lượng cao nhất, có được độ bền, vững chãi nhất.

Trước đây, trên thị trường chỉ có duy nhất một loại xi măng pooc lăng (Portland) thông dụng, nay đã có 2 loại xi măng PCB và PC. Bên cạnh đó còn có một số chủng loại xi măng đặc chủng bao gồm: xi măng bền sun phát, xi măng giếng khoan dầu khí, xi măng ít tỏa nhiệt, xi măng tro bay…

Xi măng được chia làm 2 loại dựa trên thành phần chính làm xi măng PC và PCB. Trong đó, xi măng PC được làm từ clinker nghiền mịn và thạch cao, khoảng 4-5%. Chất lượng xi măng PC sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 2682:2009 và tiêu chuẩn Mỹ ASTM C150 gồm có 3 mác là PC30, PC40 và PC50.

Hiện nay, xi măng PC được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng, với các ưu điểm như cường độ cao, độ ổn định ở mức cao, dễ sử dụng, dễ kiểm soát chất lượng bê tông tại công trình và có khả năng chống thấm tốt, bền nước.

Còn đối với xi măng PCB, loại xi măng này gồm có 3 mác phổ biến là PCB30, PCB40 và PCB50, được sản xuất từ việc nghiền hỗn hợp bao gồm clinker, thạch cao và phụ gia.

Trong xây dựng, xi măng PCB có giá bán rẻ, phù hợp với những công trình có chi phí xây dựng thấp, có thể hạn chế nguy cơ nứt bê tông, được dùng làm vữa xây tô có độ dẻo cao và cường độ cao. Dòng xi măng này thường được sử dụng cho hầu hết các loại công trình có yêu cầu về chất lượng bê tông không quá cao.

3. Gạch xây dựng

Thị trường vật liệu xây dựng có nhiều loại gạch xây dựng khác nhau, trong đó có gạch đất nung và gạch không nung.

Trong đó, gạch đất nung là loại gạch xây dựng truyền thống, rất phổ biến trong các công trình ở Việt Nam với tỷ lệ sử dụng chiếm tới 80%.

Gạch đất nung có các loại phổ biến như là gạch đỏ đặc, gạch đỏ 2 lỗ, gạch 6 lỗ, gạch ống… Sự khác nhau cơ bản giữa các loại gạch này là cấu tạo.

Cụ thể, gạch rỗng có các lỗ rỗng phía trong viên gạch, có thể là 2, 3, 4, 6 hoặc 10 lỗ tùy yêu cầu thiết kế. Chính vì cấu tạo rỗng nên gạch rỗng sử dụng ít nguyên liệu hơn, nhờ đó mà giá bán rẻ hơn. Tuy nhiên, gạch rỗng lại có khả năng chịu nén thấp, độ hút nước cao.

Còn đối với gạch đặc, loại gạch này có cấu tạo một khối xuyên suốt, không có lỗ, do vậy tốn nhiều nguyên liệu sản xuất hơn, giá bán đắt hơn. Nhưng bù lại, gạch đặc cứng chắc và ít thấm nước, được sử dụng cho những công trình yêu cầu cao về chất lượng.

Một loại gạch xây dựng khác đang được Nhà nước khuyến khích sử dụng trong các công trình nhà ở, công trình đầu tư công hiện nay là vật liệu gạch không nung.

Gạch không nung là một loại vật liệu xây dựng mới, với thành phần chủ yếu từ xi măng, mạt đá, phế thải công nghiệp. Loại gạch xây này được ép định hình, rồi trải qua quá trình rung với tần suất cao, tạo nên những viên gạch cứng, độ bền cơ học cao.

Các loại gạch không nung phổ biến bao gồm gạch xỉ, gạch bê tông, gạch nhẹ chưng áp, gạch bê tông bọt khí. Ngoài ra, còn có gạch rỗng và gạch đặc, tùy thuộc vào yêu cầu xây dựng của mỗi công trình mà chọn sử dụng cho phù hợp.

4. Cát xây dựng

Cát xây dựng là một trong những vật liệu cần thiết góp phần vào việc hoàn thiện một công trình xây dựng.

Cát xây dựng nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung quyết định đến chất lượng thi công công trình. Do đó, cần chọn loại cát sạch, phù hợp với mục đích xây dựng nhằm tiết kiệm chi phí và công sức sàng lọc.

Hiện nay, vật liệu cát xây dựng được chia làm 5 loại, gồm cát vàng, cát đen, cát san lấp, cát xây tô và cát bê tông. Mỗi loại đều có đặc điểm và chức năng riêng để phù hợp với từng công trình.

5. Đá xây dựng

Bên cạnh sắt thép, xi măng, cát, đá xây dựng là một trong những loại vật liệu không thể thiếu trong việc xây dựng phần thô của công trình.

Đá xây dựng là các loại đá tự nhiên thuộc danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được gia công đập, nghiền, phân loại hoặc đẽo, cắt, gọt theo kích thước dùng làm cốt liệu bê tông, kè bờ, xây móng, xây tường, lát vỉa hè, lòng đường.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại đá được sử dụng trong xây dựng như đá 0x4, đá 1×2, đá 3×4, đá 4×6, đá 5×7. Ngoài ra còn có các loại đá khác như đá mi sàng, đá mi bụi. Mỗi loại vật liệu đá xây dựng sẽ có đặc điểm và chức năng riêng để phù hợp với từng công trình.

Nhóm vật liệu xây dựng hoàn thiện

So với vật liệu thô, vật liệu xây dựng hoàn thiện có sự đa dạng hơn về chủng loại cũng như mẫu mã. Các loại vật liệu xây dựng hoàn thiện phụ thuộc khá nhiều vào kinh phí và mức độ đầu tư của gia chủ.

Thông thường, phần hoàn thiện bao gồm các công đoạn tạo vẻ thẩm mỹ cho ngôi nhà như: trát tường, lát sàn, ốp lát gạch, sơn bả tường, lắp đặt hệ thống kỹ thuật điện, cấp thoát nước, chống sét…

Vật liệu xây dựng phải được chứng nhận hợp quy

Trong xây dựng, những loại vật liệu với kết cấu và chất lượng kém tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ hư hại, hỏng hóc, gây nên những nguy hiểm đối với người dùng cũng như thiệt hại cho các công trình.

Theo đó, các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phải được cấp Chứng nhận, công bố hợp quy theo QCVN 16:2019/BXD trước khi lưu thông trên thị trường và sử dụng vào các công trình xây dựng.

Danh mục các loại vật liệu xây dựng được chứng nhận hợp quy sau đây sẽ giúp bạn an tâm về chất lượng và cả độ an toàn của công trình.

Hiện tại, có 6 nhóm vật liệu xây dựng cần thực hiện chứng nhận hợp quy, bao gồm:

1. Sản phẩm xi măng, phụ gia cho xi măng và bê tông

    Xi măng pooc lăng

    Xi măng pooc lăng hỗn hợp

    Xi măng pooc lăng bền sun phát

    Xi măng pooc lăng hỗn hợp bền sun phát

    Xỉ hạt lò cao dùng để sản xuất xi măng

    Tro bay dùng cho bê tông và vữa xây

    Tro bay dùng cho xi măng

    Thạch cao phospho dùng để sản xuất xi măng

2. Kính xây dựng

    Kính nổi

    Kính phẳng tôi nhiệt

    Kính dán nhiều lớp và kính dán an toàn nhiều lớp

    Kính hộp gắn kín cách nhiệt

3. Gạch, đá ốp lát

    Gạch gốm ốp lát

    Đá ốp lát lát tự nhiên

    Đá ốp lát nhân tạo trên cơ sở chất kết dính hữu cơ

4. Cát xây dựng

    Cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa

    Cốt liệu lớn dùng cho bê tông và vữa

    Cát nghiền cho bê tông và vữa

5. Vật liệu xây

    Gạch đất sét nung

    Gạch bê tông

    Sản phẩm bê tông khí chưng áp

    Tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép

6. Vật liệu xây dựng khác

    Tấm sóng amiăng xi măng

    Tấm thạch cao

    Panel thạch cao có sợi gia cường

    Sơn tường dạng nhũ tương

    Ống và phụ tùng dùng cho mục đích cấp và thoát nước

    Thanh định hình (profile) nhôm và hợp kim nhôm

0